Quá trình hình thành và phát triển

Ý tưởng thành lập ngân hàng liên doanh giữa Nga và Việt Nam để tăng cường hợp tác song phương được lãnh đạo Chính phủ hai nước nhất trí trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga Mikhail Fradkov vào tháng 2 năm 2006. Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) chính thức đi vào hoạt động ngày 19/11/2006 và là kết quả hợp tác của hai ngân hàng hàng đầu hai nước là BIDV (Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam) và VTB (Ngân hàng Ngoại thương Nga), với mức góp vốn điều lệ ngang nhau. Nhân ngày khai trương 19/11/2006,  Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga đã vinh dự được đón Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tới thăm. 

Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và Tổng thống LB Nga V.V.Putin  tới thăm Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga nhân ngày khai trương (19/11/2006)
Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và Tổng thống LB Nga V.V.Putin 
tới thăm Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga nhân ngày khai trương (19/11/2006)

Được sự quan tâm của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương hai nước và hai ngân hàng mẹ, VRB đã đạt được kết quả đáng khích lệ, thể hiện qua sự phát triển ổn định và kinh doanh hiệu quả.   

Vốn điều lệ của VRB đã tăng từ 10 triệu USD khi mới thành lập lên 30 triệu USD năm 2007, 62,5 triệu USD năm 2008, 168,5 triệu USD (tương đương 3 nghìn tỷ đồng Việt Nam) vào đầu năm 2011 và duy trì cho đến nay, với tỷ lệ góp vốn ngang nhau giữa ngân hàng BIDV và ngân hàng VTB.

Đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn huy động của VRB đạt xấp xỉ 830 triệu USD. Nguồn vốn luôn tăng trưởng với tốc độ cao, tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm ổn định, xấp xỉ 10%/năm. Dư nợ tín dụng tăng trưởng hợp lý, đạt trên 600 triệu USD vào cuối năm 2022, tăng 15% so với năm 2021. Và cho đến nay, Vốn điều lệ của VRB đã vượt mức 170,2 triệu USD. Cơ cấu và chất lượng dư nợ phù hợp định hướng phát triển, chính sách và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

VRB là một trong những đơn vị đi đầu về phát triển mạng lưới trong khối các ngân hàng liên doanh tại Việt Nam. Hiện nay VRB có 6 Chi nhánh ở các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh. 

VRB tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật và công nghệ ngân hàng; hoàn thành chuyển đổi hệ thống phần mềm Corebanking mới; phát hành thẻ thanh toán nội địa, thẻ ghi nợ và tín dụng quốc tế VISA. Công nghệ hiện đại đã tạo điều kiện cho VRB phát triển sản phẩm, hoàn thành tự động hoá, điện tử hoá các giao dịch và hệ thống quản trị điều hành. Đây là những nội dung quan trọng, thể hiện sự lớn mạnh về năng lực tài chính và kỹ thuật, và là tiền đề cơ bản để tăng sức cạnh tranh cho VRB. 

Với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ trên nền tảng công nghệ hiện đại, bên cạnh nhiều sản phẩm dịch vụ truyền thống, VRB còn có nhiều sản phẩm đặc thù như dịch vụ thanh toán trực tiếp giữa Việt Nam và Nga, thanh toán hợp đồng thương mại và chuyển tiền bằng đồng bản tệ hai nước, phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử: SMS Banking, Mobile Banking, Internet Banking.

Bên cạnh nhiệm vụ phục vụ các dự án hợp tác kinh tế liên chính phủ, VRB còn cung cấp dịch vụ thanh toán, tín dụng cho các doanh nghiệp, thực hiện chương trình hợp tác toàn diện về đầu tư, thương mại Việt – Nga thông qua nhiều hoạt động như: thiết lập kênh thanh toán RUB/VND với thị trường Nga; hỗ trợ các doanh nghiệp Nga xúc tiến hoạt động tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga và các nước SNG; chủ động phối hợp triển khai và tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ xuất khẩu và đầu tư  song phương.

Với nhiệm vụ làm cầu nối tài chính – ngân hàng, giải quyết những khó khăn vướng mắc về thanh toán, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước, VRB xứng đáng trở thành biểu tượng hợp tác mới trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng giữa Việt Nam và Liên bang Nga.   

    Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga: Kết nối thành công, đồng hành phát triển

© 2017 Ngân hàng liên doanh Việt - Nga